Làng Nhân Lý – Làng khoa bảng nổi tiếng của Nam Sách

Không chỉ là một ngôi làng cổ nằm trên mảnh đất địa linh nhân kiệt, Nhân Lý – nay thuộc thôn Nhân Đào, xã Nam Sách, thành phố Hải Phòng – từ lâu đã được biết đến là mảnh đất sản sinh nhiều bậc hiền tài, góp phần tạo nên diện mạo khoa bảng rực rỡ của vùng đất Nam Sách xưa.

Đình Nhân Lý (Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia) - Ngôi đình làng cổ kính được xây dựng vào thời nhà Lê

Hào khí từ mảnh đất “địa linh nhân kiệt”

Theo các ghi chép lịch sử, làng Nhân Lý có tên nôm là làng Si, được hình thành vào khoảng thế kỷ X. Dòng họ đầu tiên đến khai phá vùng đất này là họ Kiều (trong đó có cụ Kiều Thúc Ngữ là tướng của nhà Đinh); sau đó là các họ Lê, Lương, Phạm, Nguyễn Hữu, Nguyễn Văn, Nguyễn Xuân, Đặng Huy... đã về đây sinh cơ lập nghiệp, biến một vùng rừng rậm, đầm lầy thành nơi cư trú trù phú, gắn bó với nông nghiệp, dâu tằm, dệt lụa và buôn bán nhỏ.

Nhà thờ họ Nguyễn Hữu thôn Nhân Lý (xưa) nay là thôn Nhân Đào

Với thế đất gò cao, sông ngòi chằng chịt, người xưa từng ví làng như “con cá chép trong hồ đầy” – mô tả địa thế đặc biệt của làng – một vùng đất trù phú nhưng ẩn chứa bao thử thách, từ đó hun đúc nên tinh thần kiên cường, vượt khó và khát vọng vươn lên thông qua con đường học vấn. Tên chữ "Nhân Lý" mang ý nghĩa sâu sắc: “Nhân” là nhân nghĩa, “Lý” là làng – ngụ ý một cộng đồng đoàn kết, gắn bó, sống bằng lễ nghĩa và hiếu học. 

Ngôi làng “đệ nhất khoa bảng” của Nam Sách

Trong lịch sử khoa cử Việt Nam (1076–1919), làng Nhân Lý nổi bật với 11 vị đại khoa, trong đó nhiều người giữ chức vụ quan trọng trong triều đình. Đây là ngôi làng có số lượng tiến sĩ nhiều nhất huyện Nam Sách xưa – vùng từng được mệnh danh là “đất Trạng Nguyên” với tổng cộng 108 tiến sĩ và 5 Trạng Nguyên.

Trong số các danh nhân tiêu biểu của làng, phải kể đến Nguyễn Minh Bích (Thượng thư), Phạm Bá Khuê và Nguyễn Thế Khải (Thị lang – chức quan đứng sau Thượng Thư), Phạm Bá Dương và Phạm Hưng Nhân giữ chức Tham chính, cùng nhiều người khác từng là Giám sát ngự sử, biên soạn kinh sách triều đình. Đặc biệt, Nguyễn Hoản còn là thành viên Hội Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông, ông để lại một số bài thơ trong “Toàn Việt thi lục”. 

Đặc biệt, dòng họ Phạm trong làng chiếm tới 8/11 vị đại khoa, trong đó có gia đình Phạm Bá Khuê ba đời liên tiếp cha, con, cháu đều đỗ đại khoa. Họ Nguyễn Văn có 2 tiến sĩ đó là Nguyễn Hoản và Nguyễn Minh Bích. Họ Nguyễn Thế có 1 vị tiến sĩ là Nguyễn Thế Khải. Đây là minh chứng rõ nét cho truyền thống học hành được gìn giữ và phát huy mạnh mẽ trong từng dòng họ, gia đình.

Ngoài ra, theo ghi chép từ bia ký và gia phả, Nhân Lý còn có 34 người đỗ trung và tiểu khoa (Hương cống, Cử nhân, Sinh đồ, Tú tài), phản ánh chiều sâu của truyền thống hiếu học trải rộng trong toàn bộ cộng đồng dân cư.

Truyền thống học hành tiếp nối qua thế hệ

Không dừng lại, tinh thần hiếu học ở Nhân Lý tiếp tục được duy trì và phát huy mạnh mẽ. Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng của làng luôn đạt mức cao, có năm lên tới 80%. Nhiều con em trong làng đã trở thành giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ, nhà quản lý... đang công tác tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Từ năm 1990, Hội Khuyến học làng được thành lập với gần 300 hội viên, duy trì quỹ khuyến học hàng chục triệu đồng mỗi năm để động viên, khen thưởng học sinh có thành tích cao. Các dòng họ, gia đình đều có quỹ học bổng riêng nhằm khích lệ con em tiếp bước cha ông.

Thôn Nhân Đào trao thưởng cho các cháu học sinh giỏi các cấp năm học 2023-2024

Hiện nay, thống kê chưa đầy đủ cho thấy làng Nhân Lý có ít nhất 5 tiến sĩ, nhiều thạc sĩ và hàng trăm cử nhân, kỹ sư, bác sĩ ở các ngành nghề khác nhau. Những thành tựu này không chỉ minh chứng cho sức sống bền vững của truyền thống học hành, mà còn thể hiện vai trò của cộng đồng trong việc đầu tư cho giáo dục.

Làng cổ, hồn xưa vẫn đậm

Bên cạnh tinh thần hiếu học, Nhân Lý còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Ngôi đình làng cổ kính được xây dựng vào thời nhà Lê, thờ cụ Đào Tuấn Lương – người có công đánh giặc giữ làng, giữ nước, được tôn thờ là Thành hoàng làng. Đây là nơi hội tụ sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa của cộng đồng, đặc biệt trong các lễ hội đầu xuân.

Truyền thống, bản sắc làng khoa bảng không chỉ nằm ở thành tích khoa cử, mà còn ở cách người dân Nhân Lý ứng xử với nhau – trọng nghĩa, giữ lễ, khích lệ nhau cùng tiến bộ.

Làng Nhân Lý xưa không chỉ là niềm tự hào của người dân xã Nam Sách mà còn là minh chứng sống động cho sức mạnh của giáo dục, văn hóa trong việc tạo dựng và nâng tầm một cộng đồng. Truyền thống khoa bảng hơn nghìn năm và tinh thần học tập bền bỉ của người dân nơi đây sẽ mãi là nguồn cảm hứng cho các thế hệ trẻ trên con đường tri thức và phát triển đất nước.

BT

Xã Nam Sách
QR Code
image advertisement
image advertisement
Tin mới
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0