ĐÌNH VẠN NIÊN – DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA QUỐC GIA GIỮA LÒNG NAM SÁCH

1. Tên gọi di tích

Đình Vạn Niên được gọi theo tên thôn Vạn Niên. Tên gọi này có ý nghĩa biểu thị cho ước vọng của người dân luôn mong cho di tích được bền vững dài lâu, có cuộc sống và một tương lai tươi sáng, rạng ngời.

Vào thế kỷ XIX, thôn Vạn Niên thuộc xã Mạn Nhuế, tổng Trác Châu, huyện Thanh Lâm. Trải qua thời gian và sự thay đổi địa giới hành chính, thôn Vạn Niên ngày nay thuộc thôn Hoàng Hanh, xã Nam Sách (thị trấn Nam Sách trước đây). Đình Vạn Niên tọa lạc trên đường Nguyễn Trãi, cách ngã tư đường Trần Phú và đường Nguyễn Trãi khoảng 300m.

Lối vào Đình Vạn Niên qua nghi môn – công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử

2. Sự kiện lịch sử, nhân vật được thờ

Theo Thần tích và các tài liệu hiện còn lưu tại di tích cho biết: Đình Vạn Niên thờ Thành hoàng có tên Nguyễn Quý Minh, người có nhiều công lao trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Truyền thuyết kể rằng, Nguyễn Quý Minh quê ở làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (cũ). Đậu tiến sĩ năm 37 tuổi và làm quan dưới triều Lê, niên hiệu Hồng Đức (1470-1497). Thời kỳ này, đất nước bị quân Xiêm và Ai Lao sang quấy rối và cướp bóc ở biên giới phía Nam nước ta, gây cảnh hỗn loạn, mất ổn định lòng dân cho người dân vùng biên giới.
Trước tình thế đó, nhà Lê nhiều lần sai các tướng lĩnh đem quân đánh nhưng không dẹp được giặc. Trước tình hình đó, Nguyễn Quý Minh xin triều đình cho được lãnh binh đi đánh giặc. Sau những lần giao tranh cùng sự kiên trì nghiên cứu trận địa và thế giặc để tìm cách đánh phù hợp, với phương châm lấy chính nghĩa để đánh đuổi giặc xâm chiếm lãnh thổ, ông đã khích lệ tinh thần quân sĩ chiến đấu quyết tâm, một lòng vì giang sơn Đại Việt. Thể hiện ý chí muôn người như một, kiên cường dũng cảm, ông đã lãnh đạo quân sĩ tập trung chiến đấu và giành thắng lợi, trả lại sự yên bình cho người dân vùng biên. Được tin thắng trận, triều đình đã phong cho ông chức Đại tướng quân.

Gian thờ ngôi Đình

Sau vài năm, vùng Hải Đông lại có loạn, trước tình hình đó, ông lại tâu vua xin được đem quân đi dẹp loạn. Khi đến vùng đất Thanh Lâm, sau khi quan sát thực địa, ông cho quân sĩ dựng doanh trại tại khu vực Vạn Niên. Biết tin quân triều đình đến dẹp loạn, người dân nơi đây hết lòng ủng hộ. Trước uy danh thanh thế của ông và quân sĩ triều đình, đám quân nổi loạn hoang mang, khiếp sợ, chỉ trong vài tháng đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Tin thắng trận loan về triều, vua vui mừng và hết lòng khen ngợi, tấn phong cho ông là “Anh dũng Đại tướng quân”. Người dân Thanh Lâm hết lòng cảm mến, kính trọng tài đức của ông đã dẹp loạn để cuộc sống người dân trở lại bình yên, tránh bị cướp phá, gia đình ly tán.
Ngày 12 tháng Giêng, ông lâm bệnh rồi mất. Nhân dân Vạn Niên vô cùng đau buồn, thương xót. Trước tình cảm sâu nặng của người dân địa phương, triều đình sắc chỉ cho nhân dân Vạn Niên xây dựng đình và phong ông làm Thành hoàng làng để người dân muôn đời thờ phụng.

Đình Vạn Niên là một trong những ngôi đình còn bảo lưu được những nét kiến trúc cổ bằng kết cấu bộ khung chắc chắn, là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, di tích là nơi tập hợp và luyện tập võ nghệ để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8/1945. Sau khi thực dân Pháp tiếp tục quay lại xâm lược nước ta, hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đình Vạn Niên được chọn làm nơi bầu ra Ủy ban kháng chiến của xã, để góp phần cùng cả nước thực hiện cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ. Với tinh thần yêu nước, quân và dân Nam Sách (trong đó có người dân Vạn Niên) cùng chung sức đồng lòng tham gia chiến đấu chống giặc nhằm góp phần mang lại hòa bình cho quê hương, đất nước.

3. Lịch sử hình thành và phát triển di tích

Đình Vạn Niên được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII trên khu đất cao ráo, thoáng mát của thôn Vạn Niên trong khuôn viên 1.291m². Đình có kiến trúc tiền Nhất, hậu Đinh với quy mô lớn và đồng bộ từ tam quan, giải vũ, tiền bái và hậu cung. Mặt tiền nhìn về hướng Tây. Trải qua thời gian và thăng trầm của lịch sử, ngôi đình đã qua nhiều lần trùng tu vào thời Nguyễn và những năm gần đây.

Không gian sân đình và kiến trúc mặt trước Đình Vạn Niên

Nghi môn đình được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, kiểu 2 tầng tám mái chắc chắn, có kích thước dài 11,5m, rộng 3,5m, cao 7m. Cửa cuốn vòm chia 3 lối đi (cửa chính và 2 cửa phụ). Qua nghi môn vào tiền tế qua một sân rộng khoảng 200m². Tả hữu có giải vũ, mỗi tòa có 5 gian, kích thước 11m x 3m. Tuy bị xuống cấp và sửa chữa nhiều lần nhưng quy mô kiến trúc còn khá đồng bộ.

Tiền tế 5 gian, hạ xối, kiểu 4 mái, dài 19,2m, rộng 8,8m; hệ thống khung cột chịu lực gồm 8 cột cái cao 3,8m, đường kính 36,6cm; 16 cột quân, cao 3,0m, đường kính 27cm. Các bộ vì kèo chia gian làm theo kiểu giá chiêng chồng rường đặt lên các đấu sen. Toàn bộ các con rường đều chạm rồng và hoa lá cách điệu, nét chạm sâu, mềm mại nhưng khỏe khoắn. Trên bờ nóc có trang trí đắp hình hoa chanh làm giảm bớt sự thô cứng cho bộ mái. Các đao góc đắp kiểu rồng chầu, phượng mớm. Cách tiền tế 2m về phía Đông là trung từ, chiều dài bằng tòa tiền tế nhưng lòng nhà rộng hơn gần 2m, kết cấu bộ khung có sự thay đổi so với tiền tế được thể hiện ở đường kính cột cái to hơn (42,6cm) nhưng chiều cao của cột quân lại thấp hơn (2,7m). Trung từ cũng được hạ xối, tạo dáng 4 mái cong, phong cách kiến trúc tương tự như tiền tế nhưng còn giữ được nhiều mảng chạm khắc ở thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Gian chính giữa ghép ván, sơn son, vẽ mây tản; hai gian kế tiếp có sàn nhưng đã bị hư hại trong kháng chiến chống Pháp. Tiếp nối trung từ là hậu cung 2 gian với kiến trúc kiểu chồng rường được lên đấu vuông thót đáy tạo hình cánh sen. Trong hậu cung bài trí ngai thờ Thành hoàng cùng đồ tế tự như: 2 bộ cửa võng sơn son thếp vàng để tăng thêm vẻ đẹp cho hậu cung di tích.

4. Lễ hội truyền thống và các di vật, cổ vật

Hằng năm, vào ngày 12 tháng Giêng, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội để tưởng nhớ Thành hoàng – người có công với quê hương đất nước. Bên cạnh các nghi lễ truyền thống như tế nhập tịch, tế giã đám, còn thực hiện phần “lễ” độc đáo riêng có của lễ hội Đình Vạn Niên, đó là rước Thánh tái hiện lại chiến thắng của tướng quân Nguyễn Quý Minh qua tục “xông hệ”. Phần “hội” với các trò chơi dân gian như đánh cờ tướng, thi đấu cầu lông cùng các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ giữa các khu dân cư trong và ngoài thị trấn.

Bia kỷ niệm văn học xã Mạn Nhuế, lập năm 1926 được lưu giữ tại Đình

Lễ hội Đình Vạn Niên thu hút đông đảo nhân dân thị trấn và du khách thập phương đến tham dự, dâng hương bày tỏ lòng biết ơn với bậc tiền nhân có công với dân với nước, là dịp để giáo dục, khơi dậy truyền thống hào hùng về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương bản quán.

Đình Vạn Niên xưa có nhiều cổ vật có giá trị, nhưng do thời gian và trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, các cổ vật hiện còn giữ gìn được gồm: 02 ngai thờ, 03 hòm sắc (chất liệu gỗ), 04 đỉnh và 01 chuông (chất liệu đồng) đều có niên đại thời Nguyễn (thế kỷ XIX); cùng một số bia đá: Hậu thần bi ký năm Thành Thái thứ 3 (1891); bia trùng tu đình năm Minh Mệnh thứ 2 (1821); bia ghi kỷ niệm văn học của xã Mạn Nhuế năm Bảo Đại nguyên niên (1926); cùng một số đồ thờ tự do nhân dân mới công đức vào những năm gần đây.

5. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Đình Vạn Niên là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu thế kỷ XVII - XVIII đang được cộng đồng nhân dân và chính quyền xã Nam Sách bảo vệ, phát huy giá trị. Với quy mô đồng bộ về mặt kết cấu và nghệ thuật chạm khắc tại di tích, đình được coi là một trong những di tích tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật hiện còn được giữ gìn. Căn cứ vào những giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật và khoa học, ngày 21/01/1992, Bộ Văn hoá - Thông tin ra Quyết định số 97 công nhận Đình Vạn Niên là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia.

Nghè Vạn Niên - nơi tương truyền Thành hoàng Nguyễn Quý Minh hiển linh

Đình Vạn Niên là minh chứng của một vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, là nơi cố kết cộng đồng làng xã trong việc đề cao trách nhiệm của mỗi người dân và chính quyền sở tại về công tác quản lý và phát huy giá trị di tích trong xu thế hội nhập và phát triển. Là thiết chế văn hoá tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của nhân dân và giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống uống nước nhớ nguồn, hiếu kính với ông bà cha mẹ; là nguồn sức mạnh nội sinh để huy động mọi nguồn lực xã hội cùng chung tay gìn giữ, công đức tu bổ tôn tạo di tích, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp chân - thiện - mỹ đến du khách và nhân dân địa phương.

BT

Xã Nam Sách
QR Code
image advertisement
image advertisement
Tin mới
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0