HƯỚNG DẪN PHÒNG CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI
18/07/2025
Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh, xảy ra ở mọi lứa tuổi của lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết có thể lên đến 100%. Vi rút Dịch tả lợn Châu phi có sức đề kháng cao với môi trường. Hiện nay, chưa có thuốc điều trị bệnh Dịch tả lợn Châu phi

1. Triệu chứng, bệnh tích.
2.1. Triệu chứng:
Thể quá cấp tính: Thể này thường ít gặp và nếu gặp thì chủ yếu xuất hiện ở những ổ dịch đầu tiên. Lợn chết rất nhanh, không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng hoặc lợn nằm và sốt cao trước khi chết.
Thể cấp tính: Lợn sốt cao không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, thích nằm chỗ có bóng dâm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vùng vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng có thể có các nốt xuất huyết to bằng hạt đỗ, hạt ngô màu tím xanh. Trong 1 - 2 ngày trước khi chết lợn có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, thở gấp và khó thở, hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên, có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu.
Thể mãn tính: Lợn có nhiều triệu chứng khác nhau như giảm cân, sốt không ổn định, có triệu chứng hô hấp, hoại tử da hoặc viêm loét da mãn tính, viêm cơ tim, viêm phổi dính sườn, viêm các khớp.
2.2 Bệnh tích:
Thể cấp tính: Trên vùng da vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng có các nốt xuất huyết to bằng hạt đỗ, hạt ngô. Xuất huyết nhiều ở các hạch lympho ở dạ dày, gan và thận. Thận có xuất huyết điểm, lá lách sưng to nhồi huyết tím đen. Có nhiều nước xung quanh tim và trong xoang ngực hoặc xoang bụng. Có các điểm xuất huyết trên thanh quản, bàng quang và bề mặt các cơ quan bên trong; phù nề trong cấu trúc hạch lâm ba của đại tràng và phần tiếp giáp với túi mật, túi mật sưng.
Thể mãn tính: Có thể gặp sơ cứng phổi hoặc có các ổ hoại tử hạch, hạch phổi sưng, viêm dính màng phổi.
3. Các biện pháp phòng bệnh:
Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học: chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; chuồng trại cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, tránh gió lùa nhưng phải đảm bảo thông thoáng, kết hợp chăm sóc nuôi dưỡng tốt, thức ăn nước uống đảm bảo đủ dinh dưỡng hợp vệ sinh; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt cho lợn ăn. Thường xuyên vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại, khu chăn nuôi, các điểm mua bán, kinh doanh lợn, sản phẩm của lợn…; rắc vôi bột xung quanh và lối ra vào chuồng nuôi; hạn chế việc ra vào khu chăn nuôi, nhất là với những người không có nhiệm vụ, …
Kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn.
Con giống phải được mua từ các cơ sở sản xuất giống có uy tín, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y.
Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn lợn; tiêm phòng vắc xin DTLCP cho đàn lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y.
Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, nếu phát hiện đàn lợn ốm, bỏ ăn nghi mắc bệnh DTLCP phải báo ngay cho thú y xã, phường và chính quyền địa phương kiểm tra để có biện pháp can thiệp kịp thời, hiệu quả; đồng thời tiến hành cách ly những con ốm, phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại, khu chăn nuôi ngày 01 lần; xử lý rác thải chăn nuôi bằng cách đốt hoặc ủ với vôi bột; không được giấu dịch, không bán chạy, không giết mổ lợn bệnh hoặc chết kể cả những con khoẻ trong đàn lợn mắc bệnh; không vứt xác lợn chết bừa bãi ra môi trường; tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ thú y.
Trạm Thuỷ Sản Chăn nuôi và Thú y Chí Linh
BSTY Nguyễn Thành Đồng
Xã Nam Sách